Nghị định 24: “Cánh chim vượt bão”
(DĐDN)- Có người đã ví việc Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) cũng như cá nhân Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và tổ chức triển khai thực hiện thành công chính sách này trong 4 năm qua tựa như “cánh chim bằng vượt bão tố”.
(DĐDN)- Có người đã ví việc Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) cũng như cá nhân Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và tổ chức triển khai thực hiện thành công chính sách này trong 4 năm qua tựa như “cánh chim bằng vượt bão tố”.
Nhìn lại cả quá trình, đặc biệt là thời điểm trước và sau khi ban hành Nghị định 24 để thấy được sự kiên định, tính đúng đắn về chính sách của NHNN cũng như bản lĩnh, trí tuệ của người đứng đầu ngành ngân hàng.
Từ năm 2012 trở về trước, thị trường vàng trong nước khá “lộn xộn”. Khung pháp lý về thị trường này chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa phân định rõ vai trò quản lý của các cơ quan chức năng nên hoạt động của thị trường khá tự do và dễ “nhiễu loạn”, bởi vậy đã tạo ra nguy cơ bất ổn cho thị trường tài chính – tiền tệ và nền kinh tế.
Nghị định 24 đã và đang làm thay đổi "cục diện" ngành kinh doanh vàng. Ảnh: Phần Mềm Vàng
Đương đầu với “cơn bão” dư luận
Điều dễ nhận thấy là mỗi khi thị trường tài chính thế giới biến động, giá vàng trong nước lại liên tục “nhảy múa”. Cảnh người người chen lấn, xô đẩy mua, bán vàng tại các tiệm vàng diễn ra thường xuyên, cùng với đó là tình trạng găm giữ, đầu cơ, thao túng thị trường, xuất/nhập lậu vàng qua biên giới khá phổ biến gây thất thoát nguồn lực ngoại tệ, thuế của quốc gia và ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định của chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cũng như trật tự an toàn xã hội.
Trước thực trạng đó, NHNN đã quyết tâm “dẹp loạn” thị trường vàng thông qua việc tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 24. Đây được xem là bước đột phá về chính sách nhằm ổn định thị trường vàng, thu hẹp thị trường vàng miếng, từng bước xóa bỏ tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế. Tuy nhiên, Nghị định này cũng đã gây ra một “cơn bão” trên thị trường bởi nó vấp phải những ý kiến trái chiều trong dư luận từ khi còn là dự thảo tới lúc ban hành và quá trình thực thi, thậm chí là sự phản đối rất quyết liệt của không ít đối tượng có lợi ích liên quan đến thị trường vàng.
Trong một lần trò chuyện với các nhà báo, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã tâm sự, thời điểm trước và sau khi triển khai thực hiện Nghị định 24, sức ép của dư luận với chính sách này rất lớn, thậm chí bản thân ông còn nhận được những tin nhắn nặc danh chửi bới, đe dọa, công kích NHNN cũng như cá nhân ông – người lãnh đạo cao nhất của ngành và cũng là người ráo riết thiết lập lại trật tự kỷ cương thị trường vàng. Tuy nhiên, những điều đó không làm ông và các cộng sự của mình e ngại, chùn bước, bởi ông tin những giải pháp đề ra là đúng đắn, cần thiết làm và phải làm bằng được. Nghị định 24 có thể là một “đòn đau” với một số đối tượng trên thị trường, nhưng về tổng thể nó sẽ góp phần tạo sự ổn định không chỉ trên thị trường ngoại hối mà còn cho cả nền kinh tế xã hội.
Niềm tin và sự quyết tâm sắt đá đó của người đứng đầu ngành Ngân hàng cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ và sự phối hợp của các cấp, các ngành chức năng trong việc triển khai Nghị định 24, diện mạo của thị trường vàng đã nhanh chóng thay đổi theo hướng tích cực. Từ chỗ toàn thị trường có tới gần 12 nghìn DN, tiệm vàng kinh doanh vàng miếng đã giảm xuống còn 22 TCTD và 16 DN được cấp phép kinh doanh vàng miếng (đây được xem là nguyên nhân chính khiến Nghị định 24 bị phản đối kịch liệt). Tiếp đó, NHNN đã chuyển từ quan hệ huy động và cho vay vàng tại các TCTD sang quan hệ mua bán vàng, khi cần thiết thì tổ chức đấu thầu vàng trên thị trường (năm 2013 NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu công khai minh bạch với tổng khối lượng khoảng 68 tấn để bán cho các TCTD tất toán và bán ra thị trường). Kể từ đây nguồn lực vàng rất lớn trong dân từng bước được chuyển hóa để phục vụ cho nền triển kinh tế.
“Nghị định 24 hoàn toàn chuẩn xác”
Những năm qua, giá vàng thế giới và trong nước có xu thế ngày một xích lại gần nhau. Thời điểm mới ban hành Nghị định 24, có ngày giá vàng trong nước và quốc tế có độ chênh lên đến trên 5 triệu đồng/lượng. Theo thời gian, độ chênh đó ngày càng giảm dần. Đến những ngày đầu tháng 3/2016 thì mức chênh chỉ là 100 -200 nghìn đồng/lượng, thậm chí có thời điểm giá vàng trong nước còn thấp hơn cả giá vàng quốc tế. Thị trường vàng hoàn toàn “lặng sóng”, kể cả trong những dịp đặc biệt như ngày Vía Thần tài. Trò chuyện với người viết, một chuyên gia vốn từng có những phát biểu khá gay gắt phản đối NHNN trước đây đánh giá: “Các chính sách bao giờ cũng có hai mặt, không bao giờ là hoàn hảo. Tuy nhiên, đối với thị trường vàng, về cơ bản nó đã ổn định, vận hành theo cơ chế thị trường và những kết quả đạt được là rất khó tin”.
Ông Đinh Nho Bảng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Vàng VN cho rằng “Càng về sau, Nghị định 24 càng thể hiện được tính đúng đắn, phù hợp với cơ chế thị trường và mục tiêu điều hành của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô cũng như xu thế chung của thế giới. Tôi cho rằng, việc ban hành Nghị định 24 là hoàn toàn chuẩn xác”.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cũng đánh giá: “Thứ nhất, với Nghị định 24, chúng ta đã lập lại được trật tự trên thị trường vàng thông qua việc lựa chọn thương hiệu vàng tương đối phổ biến là SJC và có thể nói là NHNN đứng sau thương hiệu này để đảm bảo cho nó có giá trị lưu thông trên thị trường như là một tài sản tích trữ hợp pháp.
Thứ hai, chúng ta đã chấn chỉnh hệ thống kinh doanh vàng trên toàn quốc, đảm bảo được sự trật tự, tránh sự hỗn loạn, các cơn sốt nóng, rung lắc cũng như tình trạng đầu cơ vàng trước đó. Đi cùng với đó là các biện pháp như chuyển từ quan hệ vay, mượn sang mua, bán vàng và trong tình huống cần thiết NHNN đã tổ chức các phiên đấu thầu vàng để tạo ra nguồn cung trên thị trường. Khi cân đối cung – cầu trên thị trường vàng đã được đảm bảo thì chúng ta dừng việc đấu thầu vàng, tạo ra thị trường vàng vận hành một cách lành mạnh. Tôi cho rằng đến nay chúng ta đã đạt được mục tiêu loại bỏ tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế, chuyển hóa nguồn lực vàng trong dân để phục vụ cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời một vấn đề tồn tại khác, đó là chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế gần đây cũng đã được khắc phục. Cùng với các chính sách đồng bộ khác, sự ổn định của thị trường vàng đã góp phần duy trì sự ổn định thị trường ngoại hối, ổn định thị trường tài chính – tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và các thành tự chung của đất nước”.
Từ thành công của Nghị định 24, nhìn rộng ra các chính sách khác của NHNN trong 5 năm qua như các chính sách về lãi suất, tỷ giá, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu… đều có một điểm chung, đó là khi mới ban hành đều gặp muôn vàn khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, càng về sau thì các chính sách đó đều khẳng định được tính đúng đắn, hiệu quả và phù hợp với điều kiện, bối cảnh của đất nước.
Những thành công đó không chỉ là minh chứng rõ nét cho sự kiên định chính sách của NHNN và thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, “tầm nhìn của vị “tư lệnh” ngành ngân hàng mà còn là tiền đề quan trọng cho ngành ngân hàng hội nhập và phát triển bền vững.
Theo: Báo Người Lao Động