"Ẩn số" bệnh tình Covid của tổng thống Trump
Giá vàng thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu 2/10 nhưng kết thúc một tuần tăng khá mạnh. Diễn biến bệnh Covid-19 của Tổng thống Donald Trump trong tuần tới được dự báo sẽ là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng lên giá vàng.
Giá vàng thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu 2/10/2020, nhưng kết thúc một tuần tăng khá mạnh. Diễn biến bệnh Covid-19 của Tổng thống Donald Trump trong tuần tới được giới phân tích dự báo sẽ là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng lên giá vàng.
Ngày thứ Sáu (2/10/2020), ông Trump cho biết ông và đệ nhất phu nhân Melania Trump đã nhiễm Covid-19 và sẽ cách ly. Thông tin bất ngờ này được công bố trong lúc cuộc đua giành ghế Tổng thống giữa ông Trump với ông Joe Biden đang ngày càng “nóng”. Nhiều chuyên gia cho rằng thông tin này sẽ củng cố vị thế dẫn trước của ông Biden – người đang giữ ưu thế trước đương kim Tổng thống trong các cuộc thăm dò dư luận.
Ngày thứ Sáu (2/10/2020), ông Trump cho biết ông và đệ nhất phu nhân Melania Trump đã nhiễm Covid-19 và sẽ cách ly. Thông tin bất ngờ này được công bố trong lúc cuộc đua giành ghế Tổng thống giữa ông Trump với ông Joe Biden đang ngày càng “nóng”. Nhiều chuyên gia cho rằng thông tin này sẽ củng cố vị thế dẫn trước của ông Biden – người đang giữ ưu thế trước đương kim Tổng thống trong các cuộc thăm dò dư luận.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng phu nhân
“Giá vàng chỉ tăng một chút sau khi có tin "ông Trump nhiễm bệnh”, nhưng sau đó đã quay đầu giảm vì “rõ ràng thông tin này không châm ngòi cho một đợt bán tháo hoảng loạn trên thị trường cổ phiếu và ồ ạt chuyển vốn sang những tài sản an toàn như vàng”, ông Colin Cieszynski, chiến lược gia thị trường thuộc SIA Wealth Management, nói với trang MarketWatch.
Cơ hội tăng chưa hết
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên ngày thứ Sáu, nhưng với mức giảm chưa đầy 1% của chỉ số S&P 500.
Giá vàng giao ngay tại thị trường New York chốt phiên hạ 7,6 USD/oz, tương đương giảm 0,4%, còn 1.899,8 USD/oz. Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX giảm 8,7 USD/oz, tương đương giảm 0,5%, còn 1.907,6 USD/oz.
Tính cả tuần, giá vàng giao sau tăng 2,2%, theo số liệu từ FactSet. Giá vàng đã giảm 4,2% trong tháng 9 nhưng tăng 5,3% trong quý 3.
“Sự thiếu vắng những biện pháp kích thích kinh tế mới từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và thế bế tắc chính trị về một kế hoạch kích cầu bằng tài khóa là nhân tố chủ đạo khiến vàng giảm giá thời gian qua”, ông Ryan Giannoto, Giám đốc nghiên cứu thuộc GraniteShares, phát biểu. Cũng theo vị này, đồng USD mạnh lên thời gian gần đây là một nguyên nhân nữa khiến giá vàng đi xuống.
Tuy nhiên, ông Giannoto cho rằng như vậy không có nghĩa là giá vàng đã hết cơ hội để tăng. “Khả năng tăng điểm của thị trường chứng khoán đòi hỏi sự hỗ trợ chính sách tiền tệ và tài khóa lớn hơn nhiều so với vàng”, ông nói. “Triển vọng kinh tế yếu đi và một làn sóng sa thải thứ hai tại những công ty lớn như Disney, American Airlines… khẳng định chắc chắc điều này và giới đầu tư sẽ cần vàng với tư cách một tài sản để đa dạng hóa danh mục”.
Ngoài ra, theo ông Giannoto, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 đang làm gia tăng sự bấp bênh trên thị trường tài chính, cộng thêm việc ông Trump nhiễm Covid-19 “càng nhấn mạnh thực tế rủi ro mà thị trường đối mặt”. Vì lý do này, vị chuyên gia cho rằng vàng có thể tăng giá cao hơn.
Tuần này, vàng tăng giá một phần nhờ đồng USD đi xuống. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD giảm 0,9% trong tuần.
Theo ông Jeff Wright, Phó chủ tịch GoldMining, thị trường đang chờ đợi xem liệu có một gói kích thích tài khóa mới được thông qua tại Quốc hội Mỹ. Nếu một kế hoạch được thông qua, đồng USD có thể giảm giá, theo đó mở đường cho giá vàng đi lên.
Trao đổi với trang Kitco News, ông Kevin Grady, Giám đốc Phoenix Futures and Options LLC, cho rằng ở thời điểm hiện tại, giá vàng có vẻ đang “mắc kẹt” ở vùng 1.900 USD/oz. Theo ông Grady, tin ông Trump nhiễm Covid-19 lẽ ra đã đẩy giá vàng lên cao hơn, nhưng diễn biến giá kim loại quý này vẫn đang bị chi phối cùng chiều với thị trường chứng khoán.
Hai kịch bản cho tuần tới
Về tuần tới, ông Grady dự báo diễn biến giá vàng và chứng khoán sẽ phụ thuộc vào phản ứng của thị trường với những diễn biến tiếp theo về tình hình bệnh của ông Trump.
“Giá vàng vàng chứng khoán đang đi cùng chiều. Đang có nhiều sự bấp bênh, và nhiều nhà đầu tư có thể chọn thanh lý trạng thái để tự vệ trước khi có điều gì xấu có thể xảy ra vào cuối tuần”, ông Grady nói.
Cùng quan điểm trên, Giám đốc phụ trách giao dịch toàn cầu Peter Hug của Kitco Metals cho rằng diễn biến giá vàng tuần tới sẽ tùy thuộc vào tình hình bệnh của ông Trump và việc liệu Quốc hội Mỹ có phê chuẩn một gói kích cầu mới hay không.
“Nếu Tổng thống ốm nặng, bạn có thể cho rằng giá vàng sẽ tăng mạnh… Nhưng mặt khác, trong trường hợp đó, thị trường chứng khoán sẽ sụt điểm, nhà đầu tư sẽ chuyển sang nắm giữ tiền mặt, và như thế sẽ không có lợi cho giá vàng. Nếu không có một gói kích thích mới được thông qua, cả thị trường chứng khoán và kim loại quý cũng sẽ gặp khó khăn”, ông Hug phát biểu.
Cùng với đó, ông Hug đưa ra hai kịch bản cho giá vàng trong tuần tới.
Ở kịch bản xấu, sức khỏe của ông Trump diễn biến xấu, cổ phiếu bị bán tháo, nhà đầu tư coi “tiền mặt là vua”, khiến các loại hàng hóa cơ bản như vàng cũng bị bán mạnh theo. Trong trường hợp đó, giá vàng có thể giảm về 1.850 USD/oz. Nếu để mất mốc này, giá vàng có thể tụt dưới 1.800 USD/oz.
Ở kịch bản tốt, ông Trump vẫn có thể làm việc, gói kích thích tài khóa mới được thông qua, thị trường chứng khoán ổn định. “Trong trường hợp như vậy, giá vàng có thể vượt 1.925 USD/oz và tiếp đó là 1.975 USD/oz”, ông Hug nói.

Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay – Nguồn: Trading View.
Thị trường vàng Ấn Độ khởi sắc
Hưởng ứng sự đi lên của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước tuần này tăng gần 1 triệu đồng/lượng.
Lúc hơn 9h sáng thứ Bảy, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội theo niêm yết của Tập đoàn DOJI là 56,05 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,4 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 56,05 triệu đồng/lượng và 56,55 triệu đồng/lượng.
So với mức giá cuối ngày thứ Sáu, giá vàng miếng hiện giảm khoảng 200.000 đồng/lượng.
Giá sản phẩm vàng 999,9 khác của các doanh nghiệp kim hoàn lớn dao động quanh ngưỡng 54 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Vàng Thần Tài Phú Quý của Tập đoàn Phú Quý có giá 52,9 triệu đồng/lượng (mua vào) và 53,8 triệu đồng/lượng (bán ra). Nhẫn tròn Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có giá tương ứng lần lượt là 53,36 triệu đồng/lượng và 54,16 triệu đồng/lượng.
Hãng tin Reuters cho biết, thị trường vàng tại Ấn Độ đã bớt ảm đạm hơn trong tuần này. Giá vàng ở nước này giảm đã kích thích người tiêu dùng quay trở lại các tiệm vàng để sắm trang sức, chuẩn bị cho lễ hội Dussehra vào cuối tháng 10 và lễ hội Dhanteras vào tháng 11. Ngoài ra, các biện pháp chống dịch Covid-19 được nới lỏng cũng đóng góp vào sự khởi sắc của thị trường vàng Ấn Độ.
Trong tuần, giá vàng bán lẻ tại Ấn Độ thấp hơn 6 USD/oz so với giá chính thức (tính bằng giá vàng quốc tế cộng thuế nhập khẩu 12,5% và thuế tiêu thụ 3%), từ chỗ thấp hơn 5 USD/oz vào tuần trước. Giá vàng giao sau tại Ấn Độ hiện giảm còn 50.300 Rupee/10 gram, từ mức kỷ lục 56.191 Rupee/10 gram thiết lập hồi tháng 8.
Tại Trung Quốc, giá vàng bán lẻ tuần này thấp hơn 40-45 USD/oz so với giá vàng quốc tế. Người dân Trung Quốc bắt đầu kỳ nghỉ Quốc khánh kéo dài 1 tuần, chủ yếu chuẩn bị cho hoạt động vui chơi, về thăm quê… nên không chú ý tới việc mua sắm vàng.
Tại Singapore, giá vàng bán lẻ cao hơn 0,8-1,5 USD/oz so với giá vàng quốc tế. Tại Nhật Bản, giá vàng bán lẻ cao hơn 0,25-0,5 USD/oz so với giá vàng thế giới.
Nguồn: Hiệp Hội Kinh Doanh Vàng Việt Nam (VGTA)
(*) Ảnh do Phần Mềm Vàng bổ sung