Hình ảnh phần mộ Ông tổ nghề kim hoàn Việt Nam

Phần Mềm Vàng hân hạnh giới thiệu hình ảnh phần mộ của hai vị tổ sư nghề kim hoàn Việt Nam Cao Đình Độ và Cao Đình Hương

Hiện nay, khu lăng mộ tổ nghề kim hoàn Việt Nam nằm ở phường Trường An, thành phố Huế. Đến đường Phan Bội Châu, đi một đoạn, rẽ vào một kiệt nhỏ sẽ đến cổng lăng. Cổng lăng là bốn trụ biểu rất cao. Bờ giải mặt trước của hai trụ biểu chính giữa có đắp nổi hai vế đối bằng chữ Hán.

Phần mộ Đệ Nhất Sư Tổ Kim hoàn Cao Đình Độ

Phần mộ Đệ Nhị Sư Tổ Kim hoàn Cao Đình Hương 

Khu lăng mộ hình trái xoài dài 17.5m, rộng 11m, với chu vi khoảng 2.200m2. Phía bên trái (nhìn vào) là lăng mộ của Đệ nhất Tổ sư Cao Đình Độ, phía bên phải là Đệ nhị Tổ sư Cao Đình Hương. Hai ngôi mộ cách nhau 100m và được định hướng Đông, Tây, Nam, Bắc theo la bàn. Kiến trúc hai lăng mộ tương đối giống nhau với kiểu “Nội công, ngoại quốc”, đây là kiến trúc văn hóa đặc trưng của triều Nguyễn. Các nghệ nhân đã biết thổi vào những mảnh sành sứ, thủy tinh một sự sống động để họa tiết trang trí ở lăng mộ trở nên có hồn và tinh tế vô cùng. Lăng mộ của hai vị Tổ chia thành hai tầng. Tầng thứ nhất có cửa tam quan bằng bốn trụ biểu. Bốn trụ biểu trang trí các câu đối, đôi trụ giữa có cặp rồng chầu vào lăng mộ, còn lại là trang trí các ô hộc hình cây lá được khảm sành sứ. Hai trụ biểu ngoài gắn liền với vòng thành lăng. Mặt trước bờ giải của hai trụ giữa (nhìn từ ngoài vào) có viết hai vế đối:

Ở lăng Đệ nhất Tổ sư Cao Đình Độ:

陵 寢 環 灌 異 艸 奇 花 鋪 秀 色

门 墙 外 望 青 嵐 碧 洞 表 遐 光

Phiên âm:

Lăng tẩm hoàn quán dị thảo kì hoa phô tú sắc,

Môn tường ngoại vọng thanh lam bích động biểu hà quang.

Tạm dịch:

Xung quanh lăng tẩm, hoa thơm cỏ lạ phô sắc đẹp,                                                     

Bên ngoài tường cổng non xanh động biếc.

Ở lăng Đệ nhị Tổ sư Cao Đình Hương:

仰 之 彌 高 柱 桓 綱 常 入 孝 出 弟

屹 耳 卓 立 表 暘 功 德 近 悅 遠 來

Phiên âm:

Ngưỡng chi di cao trụ hoàn cương thường nhập hiếu xuất để,

Ngật nhĩ trác lập biểu dương công đức cận duyệt viễn lai.

Tạm dịch:

Ngưỡng lên trông thấy càng cao, giữ vẫn cương thường, vào hiếu ra để,

Nghe danh càng trác tuyệt, công đức được biểu dương, gần vui, xa (thì) đến.

Mặt trước, bờ giải của hai cột trụ phía ngoài cùng có đắp nổi hai vế đối.

Lăng Đệ nhất Tổ sư Cao Đình Độ:

屏 山 香 水 風 光 勝

坤 土 兌 金 器 宇 高

Phiên âm:

Bình sơn hương thủy phong quang thắng,

Khôn thổ đoài kim khí vũ cao.

Tạm dịch:

Núi Ngự hương sắc, phong cảnh đẹp,

Khôn là thổ, đoài là kim, hiện chí khí cao.

Lăng Đệ nhị Tổ sư Cao Đình Hương:

龍 朝 虎 伏 南 郊 地

月 嶺 風 清 御 嶺 天

Phiên âm:

Long triều hổ phục Nam Giao địa,

Nguyệt lãnh phong thanh ngự lãnh thiên.

Tạm dịch:
Đất Nam Giao rồng chầu hổ phục,
Trời đỉnh Ngự gió mát trăng thanh.


Tiếp theo, ở giữa tầng thứ hai có một bức bình phong cuốn thư. Trên bức bình phong có trang trí một con Kỳ Lân chở trên lưng các bức cổ đồ được tạo hình bằng phương pháp khảm sành sứ. Kỳ Lân là một trong 4 linh vật: long, lân, quy, phụng theo tín ngưỡng dân gian Á Đông. Xét về phong thủy, bức bình phong này che chắn cho ngôi mộ, chống lại tà khí, tai ương.

Bước qua năm bậc cấp ở hai bên bức bình phong thì lên tầng hai của lăng. Cửa được thiết kế bằng sáu cột trụ nhỏ. Bờ giải của sáu cột trụ nhỏ này đều có viết những câu đối thơ. Đối diện bức bình phong là bi đình khảm sành sứ tinh xảo. Hai tầng mái lợp bằng ngói ống trang trí hoa văn chữ Thọ, theo lối triện, gọi là “câu đầu trích thủy”, trụ tròn đối hoa sen, long vân nổi lượn quanh theo kiểu “long vân đồng trụ”. Tại bờ nóc có lưỡng long chầu nguyệt như các di tích khác tại Huế. Tầng trên chính diện có hoành phi đắp nổi ba chữ Hán.

Lăng Đệ nhất Tổ sư Cao Đình Độ:

“天 為 寶 Thiên vi bảo” (Điều lành làm trọng)

Lăng Đệ nhị Tổ sư Cao Đình Hương:

“德 其 盛  Đức kỳ thạnh” (Đức cao dày, thịnh vượng cho môn đệ hậu sinh).

Bên trong bi đình có một tấm bia. Mặt trước của bia khắc bằng chữ Hán.

Lăng đệ nhất Tổ sư Cao Đình Độ:

敕 封 翼 保 中 興 金 環 藝 第 一 祖 師 高 貴 公 神 墓

Phiên âm:

Sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Kim hoàn nghệ Đệ nhất Tổ sư cao quý công thần mộ.

Lăng Đệ nhị Tổ sư Cao Đình Hương:

敕 封 翼 保 中 興 金 環 藝 第 二 世 祖 師 高 貴 公 神 墓

Phiên âm:

Sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Kim hoàn nghệ Đệ nhị thế Tổ sư cao quý công thần mộ.

Giới hạn tại phần đầu của lăng được xây cao vút lên làm nền cho hậu điện, gối đầu cho phần mộ. Phần mộ hình tròn có đường kính 4m, cao 1m, chu vi có 3 lớp cánh hoa sen cách điệu, đỉnh mộ đất trồng cỏ.

Trước điện có hương án xây kiểu chân quỳ, mặt bàn nổi và trong lòng sóng chỉ nổi và ống trấy. Mặt trước có chữ thọ đắp nổi, dơi chầu 4 góc tượng trưng cho ngũ phúc. Phía trong khám thờ có tấm bài vị khắc bằng chữ Hán:

金 環 祖 師 神 位

Phiên âm:

Kim hoàn tổ sư thần vị

Hai bên khám thờ có viết hai vế đối bằng chữ Hán.

Lăng Đệ nhất Tổ sư Cao Đình Độ:

金 環 肇 始 三 圻 祖

玉 寶 開 先 千 古 師

Phiên âm:

Kim hoàn triệu thỉ tam kỳ tổ,

Ngọc bảo khai tiên thiên cổ sư.

Tạm dịch:

Sáng lập nghề kim hoàn, làm tổ sư ba miền,

Ngọc quý mở đầu, ngàn đời làm thầy.

Lăng Đệ nhị Tổ sư:

金 環 精 巧 三 圻 祖

玉 傳 訓 傳 百 世 師

Kim hoàn tinh xảo tam kì tổ,

Ngọc bảo huấn truyền bách thế sư.

Tạm dịch:

Nghề vàng tinh xảo, làm tổ ba miền,

Ngọc quý truyền dạy, trăm đời làm thầy.

Sau cùng là hậu điện: cao 4.5m, rộng 1.5m x 2.6m tám mái hai tầng lợp bằng ngói ống chữ thọ, cuối mái ”câu đầu trích thủy” trụ tròn đối hoa sen có chức năng diềm mái và dùng để định hướng giọt nước mưa. Ngoài ra, long vân nổi lượn quanh, tại bờ nóc có lưỡng long chầu nguyệt, cuối các bờ giải có hai cặp long giao. Phía dưới có miếu lưu bia, bia gốc nguyên sơ dày sâu liền lõm vào tường thành mái cong lượn vòng thấp dần xuống vừa tầm làm nền cho hậu điện.

Bia mộ Tổ sư nghề kim hoàn Cao Đình Độ
Bia mộ Tổ sư nghề kim hoàn Cao Đình Độ 

Lăng mộ hai ông tổ nghề kim hoàn là Cao Đình Độ và Cao Đình Hương được những người thợ kim hoàn lập nên để nhớ ơn công lao của hai ông trong việc truyền bá nghề này trên vùng đất Huế và ba miền đất nước. Với giá trị lịch sử và quy mô, kiến trúc, hệ thống khu lăng mộ tổ nghề kim hoàn đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 168 – QĐ/VH ngày 2/3/1990.

Từ hai cụ tổ họ Cao, nghề đã được lưu truyền trên khắp ba miền đất Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày nay, nghề kim hoàn trở thành một ngành nghề thủ công truyền thống được ưa chuộng, không chỉ vì giá trị kinh tế mà còn cả trình độ thẩm mỹ của những mặt hàng kim hoàn chứa đựng nhiều sắc thái Việt. Và khu lăng mộ của tổ nghề trên đất Huế luôn được các đệ tử, con cháu gìn giữ hương khói và là nơi hành hương linh thiêng của những ai theo nghề kim hoàn để tri ân những bậc tiền nhân đã có công khai mở một nghề để lại danh thơm và hồn thiêng dân tộc.

Nhà thờ Tổ Kim hoàn tại Huế

Phần Mềm Vàng tổng hợp

Tin liên quan

Sửa Nghị định 24: NHNN quản lý hay kinh doanh vàng?

Bảo tồn di sản kim hoàn truyền thống

Thăng trầm làng nghề Kim hoàn Kế Môn

Nghề Kim hoàn Kế Môn

Nghệ nhân 7X làm thay đổi lịch sử ngọc trai thế giới

Cận cảnh quá trình sản xuất những thỏi vàng 24K

Nghệ nhân kim hoàn Trà Văn Tâm (Tâm Kim Xuyến)

Nghệ nhân kim hoàn Phạm Văn Năm (Năm Nhỏ)

Kim cương vật liệu cứng nhất hành tinh có thể bị soán ngôi

Nghệ nhân kim hoàn Huỳnh Văn Thu

Doanh nhân Chương Do Khởi & trung tâm Trí Việt

Viên đá quý ngành kim hoàn - Nghệ nhân Phạm Hồng Đoàn

Nữ tướng vàng nữ trang

Làng nghề kim hoàn Kế Môn (Thừa Thiên Huế)

Giỗ tổ nghề kim hoàn

Lễ hội xuân và giỗ tổ nghề vàng bạc Châu Khê 2015

Ông tổ nghề kim hoàn

Hội quán Lệ Châu

Lịch sử nghề kim hoàn Việt Nam

Phố Hàng Bạc - Di sản phố cổ ở Hà Nội

Rộn rã làng nghề vàng bạc Châu Khê

Lễ hội xuân và giỗ tổ nghề vàng bạc truyền thống 2013

Lễ giỗ truyền thống Tổ nghề thợ bạc tại TP. HCM

Đỗ Minh Phú - Ông chủ Doji và ông chủ mới của Tienphong Bank

Chủ tịch SJC: Giao 'con ruột' cho người khác, cũng buồn!

Vàng nữ trang, khi “chơi” không còn dễ

Ông Tổng Bảo Tín Minh Châu ‘nội soi’ thị trường vàng

'Ông Tổng' Bảo Tín Minh Châu: 'Tôi sẽ luôn là số 1'

Bà Cao Thị Ngọc Dung: Vui không tột đỉnh, buồn không tuyệt vọng