Bảo tồn di sản kim hoàn truyền thống
Ở các tỉnh thành từ Nam chí Bắc đều có các thương hiệu kim hoàn nổi tiếng của người Kế Môn. Hiện nay, tuy nghề kim hoàn với cách chế tác thủ công truyền thống đã dần dần nhường chỗ cho ngành kim hoàn hiện đại, nhưng đó đây vẫn không mất đi các thương hiệu kim hoàn của người Kế Môn
Giới thiệu:
Người Kế Môn ra đi làm ăn phương xa mở đầu với nghề thợ kim hoàn. Cho đến những năm gần đây họ chiếm đa số so với các ngành nghề khác. Ở các tỉnh thành từ Nam chí Bắc, đặc biệt từ Quảng Trị vào đến Miền Tây, đều có các thương hiệu kim hoàn nổi tiếng của người Kế Môn qua nhiều thời kỳ. Hiện nay, tuy nghề kim hoàn với cách chế tác thủ công truyền thống đã dần dần nhường chỗ cho ngành kim hoàn hiện đại, nhưng đó đây vẫn không mất đi các thương hiệu kim hoàn của người Kế Môn. Các thương hiệu này với nguồn vốn dồi dào, đang hiện đại hóa dần để bắt kịp với xu hướng chế tác bằng máy móc và phương pháp mới.Có thể, trong một tương lai không xa, nghề kim hoàn cổ điển sẽ mai một dần và sẽ chỉ còn là nghề của “một thời vang bóng”, trở thành một di sản của tổ tiên. Website langkemonsaigon.com xin giới thiệu bài viết sau đây đăng trên “Thời Báo Việt” của tác giả Lê Khắc Niên, nói về một người con của đất Kế Môn, ngoài thương hiệu nổi tiếng tại Huế, còn có “Tịnh Tâm Kim cổ”, là nơi có khả năng bảo tồn di sản quý báu ấy.
Nghệ nhân kim hoàn Trần Duy Mong (Tp. Huế):
Người giữ lửa...nghề kim hoàn
Huế nổi tiếng với nhiều nghề truyền thống, trong đó có nghề chế tác kim hoàn. Một trong những người con ưu tú của kim hoàn xứ Huế là nghệ nhân Trần Duy Mong. Gắn bó với nghềkim hoàn từ thuở mười tám đôi mươi, đến nay dù đã bước qua cái tuổi “lục tuần” nhưng niềm đam mê với nghề vẫn cháy bỏng trong con người nghệ nhân Trần Duy Mong.
Người con ưu tú làng nghề kim hoàn Kế Môn
Nghệ nhân Trần Duy Mong là người con của làng nghề kim hoàn Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế), sinh ra và lớn lên trong một gia tộc có truyền thống về nghề kim hoàn. Ông đã lĩnh hội được nghề của ông cha và luôn tận tụy với nghề truyền thống. Từ thuở nhỏ, nghệ nhân Trần Duy Mong đã có ước mơ trở thành một người thợ kim hoàn. Ước mơ cháy bỏng đó đã thôi thúc ông tìm thầy giỏi để học nghề. Ngày đó học nghề rất vất vả, gánh nước thổi lửa cả ngày không được tận tay sờ vào miếng vàng, miếng bạc vì quan niệm thợ kim hoàn phải am hiểu về thủy và hỏa mới được động đến kim. Vàng bạc là vật quý để lưu giữ nhiều năm nên phải giữ chữ tín. Học nghề này rất khó nếu nhanh trí cũng mất 3 đến 5 năm mới nắm được các kĩ thuật cơ bản. Hơn nữa, thợ kim hoàn còn cần tài năng của người nghệ sĩ để các sản phẩm mình làm ra mang những vẻ đẹp riêng. Khả năng này sẽ dần hoàn thiện qua năm tháng ông theo đuổi cộng với sự rèn luyện của bản thân.
Nghệ nhân kim hoàn Trần Duy Mong
Trách nhiệm với nghề
Dù là một thợ kim hoàn lão làng của đất Thần kinh nhưng nghệ nhân Trần Duy Mong vẫn trực tiếp chế tác và gia công kim hoàn, chỉ bảo thế hệ sau gắn bó và làm rạng rỡ thêm nghề kim hoàn của của xứ Huế. Bên cạnh đó là trách nhiệm với gia tộc, với những bậc tiền bối của nghề kim hoàn, ông đã đóng góp ý tưởng, công sức và tiền bạc xây dựng các công trình để các thế hệ mai sau nhớ đến tổ tiên, khắc ghi công ơn của những thế hệ đi trước trong nghề kim hoàn.
Ông dẫn chúng tôi đi thăm quan Nhà lưu niệm kim hoàn ở làng Kế Môn, Khu lăng mộ của hai vị Tổ sư Kim hoàn và Nhà thờ tổ nghề Kim hoàn tại TP. Huế với sự trân trọng từ trong đáy lòng. Dù bận rộn với các cơ sở kinh doanh tại TP. Huế nhưng khi có thời gian ông Mong vẫn lên khu mộ của nhị vị Tổ sư Kim hoàn hay Nhà thờ tổ nghề Kim hoàn để quét dọn, thắp nhang cho các vị tiền bối. Ông nói: “Tôi rất tự hào vì Khu mộ của nhị vị Tổ sư Kim hoàn và Nhà thờ tổ nghề Kim hoàn tại TP. Huế đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia. Đó là sự ghi nhận vai trò của nghề kim hòa trong đời sống. Cứ có thời gian là tôi lại ghé thăm những nơi này vì nhờ những bậc tiền bối mà tôi mới có ngày hôm nay”.
Tịnh Tâm Kim Cổ ra đời là tâm huyết của nghệ nhân Trần Duy Mong
Sáu mươi tư tuổi và gần 50 năm gắn bó với nghề, Nghệ nhân Trần Duy Mong đã đào tạo ra hàng trăm thợ kim hoàn hiện đang hành nghề khắp cả nước. Dù gặp những thăng trầm trong những giai đoạn nhất định nhưng nghệ nhân Trần Duy Mong vẫn luôn hướng về phía trước với một lòng tin sẽ làm rạng rỡ nghề kim hoàn. Với tài năng và nhiệt huyết, nghệ nhân Trần Duy Mong đã tham gia nhiều cuộc triển lãm và đạt được rất nhiều giải thưởng cao quý được Nhà nước và tỉnh Thừa Thiên Huế tặng thưởng. Đó là động lực để ông tiếp tục cống hiến cho nghề kim hoàn.
Để nhiều người biết đến lịch sử nghề kim hoàn xứ Huế, qua nhiều năm ấp ủ, năm 2008 khu Tịnh Tâm Kim Cổ được hoàn thành với tâm nguyện của ông để giới thiệu đến người dân và du khách về lịch sử nghề kim hoàn xứ Huế. Tịnh Tâm Kim Cổ có nhiều gian hàng trưng bày và bán các loại vàng, bạc, ngọc. Đặc biệt, với gian thao tác biểu diễn nghề kim hoàn, khách tham quan sẽ tận mắt chiêm ngưỡng những công đoạn, những thao tác của nghề này. Ngoài ra, du khách còn được giải thích tận tình các công cụ và quy trình chế tác từ thời xưa của nghề thợ bạc truyền thống hay được hướng dẫn trực tiếp tham gia một số khâu nhỏ để tạo nên sản phẩm. Đó còn là một bảo tàng thu nhỏ về nghề kim hoàn.
Để ghi nhận những cống hiến với nghề, năm 2016 ông Trần Duy Mong đã được Nhà nước phong tặng “Nghệ nhân Ưu tú”. Đó không chỉ niềm tự hào của riêng ông mà còn là của cả gia tộc, với làng kim hoàn Kế Môn vì đã sinh ra một nghệ nhân có tâm, có đức với nghề.
Lê Khắc Niên - Theo langkemonsaigon.com