Giải đáp thắc mắc về Thông tư 22 (Phần 2)

Hỏi: Những mặt hàng tự sản xuất như nhẫn trơn, nếu tiệm muốn đăng ký chất lượng thì phải đi đến cơ quan nào, ở đâu? Thủ tục như thế nào? (Anh Vũ, Tiền Giang).

Ông Nguyễn Văn Dưng: Việc công bố chất lượng, xuất xứ hàng hóa, tem nhãn do cá nhân tổ chức tự công bố, tự thực hiện. Doanh nghiệp muốn sản xuất nhẫn, nữ trang của mình thì phải đến ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh và thành phố để xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng, trang sức mỹ nghệ.Tiệm nếu chưa có giấy chứng nhận này thì không được quyền sản xuất, đóng ký mã hiệu của tiệm trên sản phẩm.

Hỏi: Tôi có nghe qui định là khi bán hàng phải có bao bì (hộp giấy, nhựa…) cho món hàng. Vui lòng cho biết thêm về qui định bao bì này, vì nếu có bao bì thêm cho món hàng thì giá bán sẽ cao hơn, khách hàng phải trả tiền nhiều hơn trong khi thông tư mới ra đời là nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cô Dung, Quận 7, TP. HCM)

Bà Nguyễn Thị Kim Huệ: Theo quy định tại thông tư 22/2013/TT-BKHCN ngày 26/09/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, vàng trang sức và mỹ nghệ khi lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/08/2006 của Chính Phủ về nhãn hàng hóa. Vị trí nhãn vàng trang sức, mỹ nghệ được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP.

Ông Nguyễn Văn Dưng: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 của Thông tư 22/2013/TT-BKHCN công bố áp dụng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ do tổ chức, cá nhân tự thực hiện theo một trong các cách sau:

  • Trên bảng niêm yết giá
  • Trên bao bì sản phẩm
  • Trên nhãn hàng hóa của sản phẩm
  • Trên tài liệu kèm theo.

Còn vấn đề bao bì doanh nghiệp tự điều chỉnh cho phù hợp.

Phần Mềm Vàng xin được trích dẫn Điều 6 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP như sau:

Điều 6. Vị trí nhãn hàng hoá

  1. Nhãn hàng hoá phải được gắn trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hoá.
  2. Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ nội dung bắt buộc.
  3. Trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì:
  • a) Các nội dung: tên hàng hoá; tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; định lượng; ngày sản xuất; hạn sử dụng; xuất xứ hàng hoá phải được ghi trên nhãn hàng hoá;
  • b) Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hoá và trên nhãn hàng hoá phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

Chuyên mục được thực hiện với sự cộng tác của Công ty TNHH TM và DV Tin Học Phần Mềm Vàng cùng sự tham dự của các vị khách mời:

– Ông Nguyễn Thành Long – Chủ Tịch Hiệp Hội Kinh Doanh Vàng Việt Nam

– Ông Nguyễn Văn Dưng – Chủ Tịch Hội Mỹ Nghệ Kim Hoàn Đá Quý Tp. Hồ Chí Minh

– Bà Nguyễn Thị Kim Huệ – Chánh Thanh Tra Sở Khoa Học Công Nghệ Tp. Hồ Chí Minh

Quý khách có thể xem các nội dung hỏi – đáp về thông tư 22 và các qui định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng tại http://thongtu22.phanmemvang.com.vn/
Có 3 cách để gửi câu hỏi về cho chúng tôi:

– Gọi số 19006037

– Gửi email đến thongtu22@phanmemvang.com.vn

– Gửi câu hỏi ngay tại trang thông tin http://thongtu22.phanmemvang.com.vn/

Còn tiếp…

Nguồn: Giavang.net