Giải đáp thắc mắc về Thông tư 22 (Phần 1)

Nhằm đáp ứng nhu cầu đông đảo của quý khách về thông tư 22/2013/TT-BKHCN cũng như các qui định quản lý hoạt động kinh doanh vàng, từ hôm nay, giavang.net có thêm mục GIẢI ĐÁP THẮC MẮC VỀ THÔNG TƯ 22. Chuyên mục được thực hiện với sự cộng tác của Công ty TNHH TM và DV Tin Học Phần Mềm Vàng cùng sự tham dự của các vị khách mời:

- Ông Nguyễn Thành Long – Chủ Tịch Hiệp Hội Kinh Doanh Vàng Việt Nam
- Ông Nguyễn Văn Dưng – Chủ Tịch Hội Mỹ Nghệ Kim Hoàn Đá Quý Tp. Hồ Chí Minh
- Bà Nguyễn Thị Kim Huệ – Chánh Thanh Tra Sở Khoa Học Công Nghệ Tp. Hồ Chí Minh

Quý khách có thể xem các nội dung hỏi – đáp về thông tư 22 và các qui định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng tại www.thongtu22.phanmemvang.com.vn
Có 3 cách để gửi câu hỏi về cho chúng tôi:
– Gọi số 19006037
– Gửi email đến thongtu22@phanmemvang.com.vn
– Gửi câu hỏi ngay tại trang thông tin www.thongtu22.phanmemvang.com.vn

Trân trọng!

Hỏi: Trường hợp mua một món hàng của khách tuy không rõ xuất xứ mà có thể đảm bảo được chất lượng theo kinh nghiệm hay thử bằng máy nước, vậy nếu mình đánh bóng lại rồi đóng hiệu của tiệm bán ra luôn có được không? (Anh Bảo – Tiền Giang). Khi mua lại món hàng từ khách, tôi phải xử lí món hàng này ra sao theo đúng qui định? (Anh Lạc, Lâm Đồng). Các sản phẩm do thợ gia công nhỏ ở nhà hoặc những sản phẩm mà chúng tôi mua lại của khách vãng lai thường không có tên nhà cung cấp và hàm lượng vàng đóng trên sản phẩm. Nếu chúng tôi đo tuổi lại trên máy phổ quang rồi ghi lại hàm lượng vàng trên tem nhãn sản phẩm mà không có ghi tên nhà cung cấp và có biên lai hoặc hóa đơn bảo đảm thì có được trưng bày ra bán không? (Anh Quốc An, Quận 3, Tp. HCM)

Bà Nguyễn Thị Kim Huệ: Vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường phải được công bố tiêu chuẩn áp dụng, đảm bảo chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, đảm bảo khối lượng như công bố theo quy định của thông tư 22/2013/TT-BKHCN ngày 26/09/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Dưng: Theo thông tư 22, chỉ kinh doanh vàng, mỹ nghệ, trang sức phải có đóng dấu, ký mã hiệu, hàm lượng vàng của tiệm trước khi đem ra kinh doanh, buôn bán. Khi đóng ký mã hiệu phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Doanh nghiệp không có chức năng sản xuất thì không được đóng dấu ký mã hiệu.

Hỏi: Những hộ nhỏ lẻ kinh doanh vàng như chúng tôi thường có thợ gia công ở nhà, vậy các thợ này làm theo đặt hàng và tôi đóng dấu của tiệm lên món hàng bán cho khách được không, miễn là tôi đảm bảo được hàm lượng vàng đúng như đóng dấu? Thế thì đúng hay sai theo qui định? (Anh An, Quận 3, Tp. HCM).

Ông Nguyễn Văn Dưng: Hộ gia công chỉ được hợp đồng gia công cho các đơn vị có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức do Ngân hàng Nhà Nước chi nhánh tỉnh và thành phố cấp. Hộ gia công không được đóng tên mã hiệu của mình mà phải đóng mã hiệu của đơn vị có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức.

 Còn tiếp…

Nguồn: Giavang.net