Rộn rã làng nghề vàng bạc Châu Khê

Đã thành nếp văn hóa đẹp của làng nghề vàng bạc Châu Khê (xã Thúc Kháng, Bình Giang), đêm 30 tết hằng năm, cán bộ và nhân dân, cả những người ở xa về quê ăn tết, họp mặt tại đình làng để đón giao thừa.

Giữa khoảnh khắc giao thoa năm cũ và năm mới, mọi người nghiêm trang dự lễ dâng hương hoa, kính cáo đức Thành hoàng và tiên tổ, cùng "ôn cố tri tân" để biết ơn các hiền tài đã có công với làng, với nước. Dịp đầu xuân này, nhất là ngày chính hội làng (19 tháng Giêng hằng năm), người Châu Khê xa quê nô nức trở về, không chỉ để dự hội làng, dâng hương báo công với Thành hoàng và giỗ tổ nghề kim hoàn, mà còn hội tụ cùng nhau trao đổi kinh nghiệm làm nghề, gặp gỡ bạn hàng gần xa.

Các chủ xưởng, chủ cửa hàng, cùng nhau đưa nghề truyền thống của làng tiến kịp với bước phát triển, hội nhập của đất nước. Họ tự nguyện chung sức chung lòng tôn tạo lại đình – chùa – lăng - miếu - đồ tế tự, xây dựng và nâng cấp nhà trẻ, nhà văn hóa, đường làng, ngõ xóm khang trang bề thế,  giữ gìn những di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng quốc gia. 

Sử sách truyền lại rằng, nghề thủ công vàng bạc Châu Khê được xuất phát từ nghề đúc bạc nén dưới triều Lê sơ, do Lại bộ thượng thư Lưu Xuân Tín, một người làng truyền lại. Từ đó, nghề vàng bạc Châu Khê và phố Hàng Bạc (Hà Nội) hình thành, cùng phát triển. Đa số dân Hàng Bạc ban đầu là người Châu Khê. Họ gắn bó, hỗ trợ nhau cả trong làm nghề, buôn bán, đến sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng… Sống ở phố, nhưng nhiều người dân Hàng Bạc vẫn giữ vườn ruộng ở quê để có nơi đi lại, giỗ tết. Những ngày lễ hội, người Châu Khê ở các nơi về dự, để được góp công theo hương ước của làng, nếp đẹp văn hóa truyền thống này được giữ đến ngày nay. 

Nghề kim hoàn Châu Khê qua 549 năm, trải bao thăng trầm nhưng ngày càng phát triển. Cùng với nghề, thôn Châu Khê phát triển khá toàn diện, trở thành một làng văn hóa điển hình của huyện. 

  “Làng Châu Khê tay vàng, tay bạc”

                          
Thợ trẻ làng nghề vàng bạc Châu Khê

Từ thế kỷ 15, nhiều sản phẩm của nghệ nhân làng Châu Khê đã nổi tiếng như cành vàng, trâm ngọc, đá ngọc, chén ngọc-biểu tượng của cung đình và đồ trang sức cho các ông hoàng, bà chúa... Từ khoảng hai chục năm nay, khi đất nước đổi mới, làng nghề Châu Khê càng được mở mang, giao thương mật thiết hơn giữa quê và người ở phố, để hôm nay có một Châu Khê- Hàng Bạc nổi tiếng ngay giữa Thủ đô, với Hội kim hoàn Châu Khê-Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hiện có tới 50 – 60 xưởng và cửa hàng vàng bạc. Nhiều nghệ nhân đã đến tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng vẫn đam mê với nghề, chỉ bảo cháu con gìn giữ cốt cách của vàng bạc Châu Khê như các cụ Phạm Đình Hoà, Nguyễn Đình Tuân, Nguyễn Duy Thích, Lê Xuân Điệp... Lớp thợ kế tiếp đã có những Phạm Đình Chu, Vũ Hữu Tuyến, Trần Đức Lâm, Trần Thị Thuật, Vũ Hữu Xa, Phạm Đình Hợp...  

Hiện nay, trong gần 600 thợ của làng có gần hai phần ba đạt tay nghề bậc 4, bậc 5/7, được cấp chứng chỉ của ngành kim hoàn Việt Nam. Đây là một bước phát triển về chất của làng nghề. Các sản phẩm mỹ nghệ với nhiều kiểu dáng, mẫu mã phong phú và chất liệu đa dạng như bạc, vàng tây, vàng ta, vàng trắng, đá qúy, kim cương... từ những bàn tay thợ kim hoàn Châu Khê, kết hợp nhuần nhuyễn từ cổ truyền với công nghệ tiên tiến ngày nay, luôn hấp dẫn khách hàng cả trong và ngoài nước. Làng nghề đã biên soạn xong tập sách "Châu Khê thần tích" và lập một website "Vàng bạc Châu Khê" để giao lưu khắp trong nước và quốc tế...

Gần đây, không ít đoàn khách nước ngoài đã tìm về làng nghề Châu Khê, muốn được đi thuyền từ Cống Tranh vào tận giữa làng. Bởi họ đến không chỉ để mua vàng, bạc mỹ nghệ, mà còn muốn nhìn ngắm cảnh quê yên bình, đắm mình vào không gian mang đậm chất văn hoá truyền thống Bắc Bộ. Với những người dân làng nghề, dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán là mùa làm ăn chính hằng năm. Chị Nguyễn Thị Chiến, một trong hơn chục người chuyên gom sản phẩm chế tác vàng bạc ở Châu Khê cho biết, tháng gần Tết Kỷ Sửu vừa qua, nhu cầu hàng vàng bạc mỹ nghệ tăng gấp ba lần so với tháng bình thường. 

Còn năm 2008, doanh thu từ nghề của làng Châu Khê đạt gần 20 tỷ đồng, chiếm hơn 30 % giá trị sản xuất của cả xã Thúc Kháng. Sản phẩm vàng bạc Châu Khê hiện đã có mặt trong các cửa hàng vàng bạc mỹ nghệ lộng lẫy của Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh... đang góp phần làm cho cuộc sống thêm đẹp sắc xuân...

Nguồn: Chaukhe.com

Tin liên quan

Sửa Nghị định 24: NHNN quản lý hay kinh doanh vàng?

Bảo tồn di sản kim hoàn truyền thống

Thăng trầm làng nghề Kim hoàn Kế Môn

Nghề Kim hoàn Kế Môn

Nghệ nhân 7X làm thay đổi lịch sử ngọc trai thế giới

Cận cảnh quá trình sản xuất những thỏi vàng 24K

Nghệ nhân kim hoàn Trà Văn Tâm (Tâm Kim Xuyến)

Nghệ nhân kim hoàn Phạm Văn Năm (Năm Nhỏ)

Kim cương vật liệu cứng nhất hành tinh có thể bị soán ngôi

Nghệ nhân kim hoàn Huỳnh Văn Thu

Doanh nhân Chương Do Khởi & trung tâm Trí Việt

Viên đá quý ngành kim hoàn - Nghệ nhân Phạm Hồng Đoàn

Nữ tướng vàng nữ trang

Làng nghề kim hoàn Kế Môn (Thừa Thiên Huế)

Giỗ tổ nghề kim hoàn

Lễ hội xuân và giỗ tổ nghề vàng bạc Châu Khê 2015

Ông tổ nghề kim hoàn

Hội quán Lệ Châu

Lịch sử nghề kim hoàn Việt Nam

Phố Hàng Bạc - Di sản phố cổ ở Hà Nội

Lễ hội xuân và giỗ tổ nghề vàng bạc truyền thống 2013

Lễ giỗ truyền thống Tổ nghề thợ bạc tại TP. HCM

Hình ảnh phần mộ Ông tổ nghề kim hoàn Việt Nam

Đỗ Minh Phú - Ông chủ Doji và ông chủ mới của Tienphong Bank

Chủ tịch SJC: Giao 'con ruột' cho người khác, cũng buồn!

Vàng nữ trang, khi “chơi” không còn dễ

Ông Tổng Bảo Tín Minh Châu ‘nội soi’ thị trường vàng

'Ông Tổng' Bảo Tín Minh Châu: 'Tôi sẽ luôn là số 1'

Bà Cao Thị Ngọc Dung: Vui không tột đỉnh, buồn không tuyệt vọng