Công văn số 1402/TĐC - HCHQ

Ngày 31/7/2014, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có Công văn số 1402/TĐC-HCHQ gửi các Sở KH & CN; các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố; các tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng được chỉ định; các tổ chức kiểm định được chỉ định/được công nhận khả năng kiểm định cân phân tích, cân kỹ thuật, quả cân hướng dẫn thực hiện Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường.


BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ                    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN                                           Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG                                                      ----------------
        -------------------
Số: 1402/TĐC – HCHQ                                                Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2014
V/v Hướng dẫn thực hiện
Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN

Kính gửi:
- Các Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố
- Các Chi cục TC ĐL CL tỉnh, thành phố;
- Các tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng được chỉ định;
- Các tổ chức kiểm định được chỉ định/được công nhận khả năng kiểm định cân phân tích, cân kỹ thuật, quả cân.

Ngày 26/9/2013, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường (Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN). Ngày 25/6/2014, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký ban hành Quyết định số 1550/QĐ-BKHCN về việc đính chính Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường (Quyết định số 1550/QĐ-BKHCN).
Để thống nhất thực hiện các quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường theo quy định tại Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN và Quyết định số 1550/QĐ-BKHCN, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn một số nội dung như sau:

I.  Các nội dung liên quan đến quản lý đo lường:
1.   Điều 4 và Điều 5 của Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN không quy định tổ chức, cá nhân hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ, kinh doanh ma, bán vàng miếng (sau đây gọi tắt là cơ sở kin doanh vàng) phải trang bị cân và quả cân;
2.   Trường hợp cơ sở kinh doanh vàng sử dụng cân, quả cân trong mua bán vàng thì cân, quả cân phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 4 Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN và tại Bảng 1 trong Quyết định số 1550/QĐ-BKHCN;
3.   Một số ví dụ về tính giới hạn sai số của phép đo khối lượng vàng:
Ví dụ 1:
Kết quả phép đo khối lượng của một chiếc nhẫn bằng vàng là 0,937g (1/4 chỉ) khi sử dụng cân có e = 1 mg, giới hạn sai số (S) được tính theo công thức và được làm tròn lên đến 1 giá trị độ chia kiểm (e) của cân được sử dụng như sau:
S = (13 : 30 * 0,937) mg = 0,406 mg ~ 1 mg
Ví dụ 2:
Kết quả phép đo khối lượng của một chiếc nhẫn bằng vàng là 1,875g (1/2 chỉ) khi sử dụng cân có e = 1 mg, giới hạn sai số (S) được tính theo công thức và được làm tròn lên đến 1 giá trị độ chia kiểm (e) của cân được sử dụng như sau:
S = (13 : 30 * 1,875) mg = 0,812 mg ~ 1 mg
Ví dụ 3:
Kết quả phép đo khối lượng của một thỏi vàng là 375g (10 lượng) khi sử dụng cân có e = 10 mg, giới hạn sai số (S) được tính theo công thức và được làm tròn lên đến 1 giá trị độ chia kiểm (e) của cân được sử dụng như sau:
S = 80 + [(130-80) : (500-300)] * (375-300) mg = 98,75 mg ~ 100 mg
4.   Về hoạt động kiểm định cân được sử dụng trong kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn địa phương:
a)   Việc kiểm định cân phải được thực hiện đúng theo Quy trình kiểm định Cân phân tích, cân kỹ thuật (ĐLVN 16:2009);
b)  Trường hợp cân phải có quả cân (hoặc bộ quả cân) đi kèm theo hướng dẫn của nhà sản xuất thì tỏ chức kiểm định chỉ cấp chứng chỉ kiểm định khi đáp ứng các yêu cầu sau:
-   Có đủ quả cân (hoặc bộ quả cân);
-   Cân và quả cân (hoặc bộ quả cân) đã được kiểm định đạt yêu cầu quy định.
c)   Về việc niêm phong, kẹp chì cân:
-   Đối với các cân phải có cơ cấu, vị trí niêm phong, kẹp chì (theo hướng dẫn của nhà sản xuất) để chống sự tác động làm thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường trong quá trình sử dụng, khi kiểm định cân, kiểm định viên phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
+ Kiểm tra cơ cấu, vị trí niêm phong, kẹp chì;
+ Sau khi kiểm định đạt yêu cầu, phải niêm phong, kẹp chì cân theo quy định.
-   Đối với các cân phân tích, cân kỹ thuật kiểu cơ khí hoặc cơ – quang học không có vị trí, cơ cấu để niêm phong, kẹp chì, nhưng kết cấu của cân không có cơ cấu, chức năng có thể tác động làm thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường trong quá trình sử dụng hoặc có cơ cấu nhưng phải thay đổi cơ cấu, chức năng này mới có thể làm thay đổi tính năng kỹ thuật đo lường của cân thì cân phải được kiểm định theo quy định và không cần niêm phong hoặc kẹp chì.
-   Đối với một số loại cân phân tích, cân kỹ thuật kiểu điện tử có cơ cấu, chức năng hiệu chuẩn nhưng không có vị trí, cơ cấu để niêm phong, kẹp chì để chống sự tác động làm thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường trong quá trình sử dụng (là loại cân dùng trong thí nghiệm, sản xuất, chế tác…, không dùng trong giao nhận thương mại) thì không thực hiện kiểm định theo quy định và không sử dụng trong việc giao nhận, mua bán vàng.
d)   Sau khi kiểm định đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường, ngoài việc cấp chứng chỉ kiểm định, tổ chức kiểm định hải dán lưu ý với yêu cầu sau:
-   Nội dung lưu ý: Cân vàng; phạm vi cân (xác định theo yêu cầu quy định tại Bảng 1 của Quyết định số 1550/QĐ-BKHCN và các thông số kỹ thuật đo lường thực tế của cân).
Ví dụ 1:
Cân có mức lớn nhất: 110g, d = 0,1mg, ghi lưu ý:
“Cân vàng; phạm vi cân: từ 50mg đến 110g; giá trị độ chia kiểm (e) = 1 mg”
Ví dụ 2:
Cân có mức cân lớn nhất: 310g, e = 10 mg, ghi lưu ý:
“Cân vàng; phạm vi cân: > 200g đến 310g; giá trị độ chia kiểm (e) = 10 mg”
-   Kích thước, vị trí dán lưu ý ở ngay trên cân hoặc bên cnahj cân, các nội dung ghi trên lưu ý phải đảm bảo dễ nhìn, dễ đọc, không ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của cân trong thời gian chu kỳ kiểm định cân.
5.   Về việc định kỳ tự kiểm tra, lập và lưu giữ hồ sơ tự kiểm tra quy định tại Khoản 4 Điều 4:
a)   Căn cứ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, định kỹ ít nhất 01 tuần 01 lần, người sử dụng cân tiến hành kiểm tra hoạt động của cân và các điều kiện sử dụng (ví dụ: Kiểm tra thăng bằng của cân qua nivô gắn trên cân; kiểm tra biện pháp hạn chế rung động, gió tại vị trí lắp đặt; đóng và mở cân để kiểm tra điểm “0”; kiểm tra sự đầy đủ và việc bảo quản quả cân, bộ quả cân đi kèm;…).
b)  Người sử dụng lập hồ sơ ghi chép các kết quả kiểm tra đã thực hiện; trong quá trình tự kiểm tra nếu phát hiện sai lệch cân, quả cân thì phải dừng sử dụng và kịp thời liên hệ với tổ chức kiểm định để thực hiện khắc phục và kiểm định lại.
c)   Hồ sơ thực hiện việc tự kiểm tra định kỳ được lưu giữ tại địa điểm thuận lợi cho việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền.

II.   Các nội dung liên quan đến quản lý chất lượng:
1.   Về việc công bố tiêu chuẩn áp dụng, ghi nhãn hàng hóa và đóng mã ký hiệu:
a)   Theo quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 và Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012, việc công bố tiêu chuẩn áp dụng là bắt buộc và doanh nghiệp có trách nhiệm phải thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật này;
b)  Nghị định số 24/2012/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 25/5/2012) quy định trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là thực hiện đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm (Điều 6). Do đó, vàng trang sức, mỹ nghệ trên thị trường phải đảm bảo có mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm;
c)   Theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 và Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN, vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường phải được công bố tiêu chuẩn áp dụng trên nhãn hàng hóa hoặc tài liệu đính kèm. Nhãn hàng hóa phải thể hiện được các nội dung chủ yếu sau: hàm lượng vàng; khối lượng vàng; ký hiệu của vàng trang sức, mỹ nghệ. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể ghi thêm ký hiệu của mình để nhận biết sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ do mình kinh doanh;
d)  Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN quy định về nguyên tắc vàng trang sức, mỹ nghệ không được chứa các chất độc hại ảnh hưởng tới người tiêu dùng và doanh nghiệp phải cam kết, chịu trách nhiệm về vấn đề nay.
2.   Về việc lấy mẫu vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường:
Việc lấy mẫu (không phải mua mẫu) để kiểm tra về khối lượng, ghi nhãn, chất lượng được thực hiện quy định tại Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN.
Mẫu được lấy bất kỳ, do cơ quan kiểm tra quyết định, lưu ý việc lấy mẫu của vàng trang sức, mỹ nghệ không thực hiện lấy đại diện cho lô hàng. Đoàn kiểm tra phải đảm bảo lấy mẫu chính xác, đầy đủ theo các quy định hiện hành, tránh để xảy ra khiếu nại và chịu trách nhiệm về việc lấy mẫu, trả mẫu.
3.   Về việc thử nghiệm xác định hàm lượng vàng và chi phí thử nghiệm:
a)   Việc xác định hàm lượng vàng để phục vụ công tác kiểm tra phải được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định. Mẫu thử phải được thử nghiệm bằng phương pháp không phá hủy mẫu và chi phí thử nghiệm được thực hiện theo quy định tại Điều 41 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Các phương pháp thử nghiệm quy định tại Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN là những phương pháp trọng tài để thực hiện trong quá trình kiểm tra. Do đó, cơ quan kiểm tra không sử dụng phương pháp khác để đánh giá chất lượng vàng phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước. Để phù hợp với quy định tại Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7055:2014 Vàng và hợp kim vàng – Phương pháp huyenhf quang tia X đẻ xác định hàm lượng vàngthay thể cho tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7055:2002, trong dó bỏ sung các quy định đảm bảo thử được tất cả các loại vàng từ 8K đến 24K;
b)  Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN quy định các phương pháp thử nghiệm xác định hàm lượng vàng như sau:
-   Phương pháp không phá hủy mẫu (huỳnh quang tia X), được áp dụng với mẫu vàng thích hợp có hàm lượng từ 33,3% đến 99,9%;
-   Phương pháp phá hủy mẫu (Nhiệt phân và ICP-OES), trong đó phương pháp ICP-OES chỉ thử nghiệm đối với mẫu vàng có hàm lượng bằng hoặc lớn hơn 99,9%; còn phương pháp nhiệt phân được áp dụng đối với tất cả mẫu vàng có hàm lượng từ 33,3% đến 99,9%.
c)   Hiện nay, rất nhiều tổ chức, cá nhân hiểu không chính xác quy định về giới hạn sai số của kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng quy định tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN, Quy định giới hạn sai số này với mục đích khi xử lý phải quan tâm đến giới hạn sai số của thiết bị thử nghiệm xác định hàm lượng vàng, cụ thể:
-   1% đối với vàng có hàm lượng từ 99,9% trở lên (ví dụ: kết quả thử nghiệm hàm lượng vàng là 99,8% thì vẫn có thể được coi là vàng 99,9%);
-   2% với vàng hợp kim có hàm lượng từ 80% đến dưới 99,9% (ví dụ: kết quả thử nghiệm hàm lượng vàng là 87,3% thì vẫn có thể được coi là vàng 87,5%);
-   3% đối với vàng hợp kim có hàm lượng dưới 80% (ví dụ: kết quả thử nghiệm hàm lượng vàng là 74,7% thì vẫn có thể được coi là vàng 75%).
d)  Việc xác định hàm lượng vàng của tổ chức, doanh nghiệp được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm đã đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm theo quy định tại Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN ngày 08/4/2009 và Thông tư số 10/2011/TT-BKHCN ngày 30/6/2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

III.  Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn triển khai thực hiện:
Để Nghị định số 24/2012/NĐ-CP và Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN được triển khai thuận lợi, có hiệu quả, đề nghị trong giai đoạn đầu, các Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục TC ĐL CL tại địa phương tập trung vào việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng, quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ, đặc biệt là việc ghi nhãn đối với các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ.

IV.  Về việc kiểm tra đo lường, chất lượng:
1.   Kiểm tra về đo lường:
a)   Kiểm tra cân, quả cân được sử dụng trong kinh doanh mua bán vàng:
-   Kiểm tra chứng chỉ kiểm định (tem kiểm định, dấu kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định) theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 4 của Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN;
-   Kiểm tra việc dán lưu ý theo hướng dẫn tại điểm d Khoàn 4 Mục I của công văn này;
-   Kiểm tra các quy định khác tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN và tại Bảng 1 trong Quyết định số 1550/QĐ-BKHCN.
b)  Xác định khối lượng vàng khi kiểm tra:
-   Cân để xác định khối lượng vàng phải đáp ứng yêu cầu quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN và tại Bảng 1 trong Quyết định số 1550/QĐ-BKHCN.
Đoàn kiểm tra được sử dụng cân của cơ sở kinh doanh vàng để xác định khối lượng vàng của sản phẩm vàng nếu cân này đáp ứng yêu cầu quy định. Khi kiểm tra độ chính xác của cân, đoàn kiểm tra phải sử dụng bộ quả cân chuẩn có phạm vi đo, cấp chính xác phù hợp yêu cầu đối với chuẩn đo lường để kiểm định tại Quy trình kiểm định cân phân tích, cân kỹ thuật (ĐLVN 16:2009).
-   Trường hợp không thể xác định khối lượng vàng của sản phẩm vàng tại cơ sở kinh doanh vàng, Trưởng đoàn kiểm tra quyết định lấy mẫu, lập biên bản lấy mẫu và gửi mẫu tới đơn vị đủ năng lực kỹ thuật để xác định khối lượng vàng.
c)   Tổ chức, cá nhân sử dụng cân để xác định khối lượng vàng và hàm lượng vàng trong mua bán không đảm bảo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN và tại Bảng 1 trong Quyết định số 1550/QĐ-BKHCN, quả cân hoặc bộ quả cân được sử dụng kèm theo cân không đảm bảo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN thì xử lý vi phạm hành chính tại điểm d Khoản 1 Điều 10 hoặc Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 với hành vi sử dụng phương tiện đo nhóm 2 không đạt yêu cầu quy định về kỹ thuật đo lường tùy theo giá trị của phương tiện đó.
Tổ chức, cá nhân sử dụng cân để xác định khối lượng vàng trong mua bán không đảm bảo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN và tại Bảng 1 trong Quyết định số 1550/QĐ-BKHCN, quả cân hoặc bộ quả cân được sử dụng kèm theo cân không đảm bảo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN thì xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP với hành vi vi phạm về chứng chỉ kiểm định.
Tổ chức, cá nhân mua bán vàng không đảm bảo sai số cho phép quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN và tại Bảng 2 trong Quyết định số 1550/QĐ-BKHCN thì xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP.

2.   Kiểm tra về chất lượng:
a)   Kiểm tra việc công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn hàng hóa:Tập trung vào kiểm tra thực hiện của doanh nghiệp trong việc ghi nhãn hàng hóa về khối lượng, hàm lượng vàng, mã ký hiệu và các yêu cầu khác nếu cần.
b)  Kiểm tra hàm lượng vàng:
Cơ quan kiểm tra quyết định lấy mẫu và gửi thử nghiệm để xác định hàm lượng vàng theo tiêu chuẩn công bố ở trên của doanh nghiệp. lưu ý mẫu được lấy bất kỳ và đoàn kiểm tra phải đảm bảo lấy mẫu chính xác, đầy đủ theo quy định hiện hành và chịu trách nhiệm về việc lấy mẫu, trả mẫu.
c)   Khi kiểm tra tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ có hành vi vi phạm về:
-   Công bố tiêu chuẩn áp dụng thì xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6 Điều 20 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP;
-   Ghi nhãn hàng hóa thì xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 25, Điều 26 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn để các Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục TC DDL CL biết.
 
Nơi nhận:                                                                                          KT.TỔNG CỤC TRƯỞNG
- Như trên;                                                                                         PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
- Bộ KHCN (để b/c);
- Ngân hàng Nhà nước VN;
- Các đơn vị thuộc TC có liên quan;                                                                          (đã ký)
- Hiệp hội KD vàng Việt Nam;
- Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP.HCM;
- Lưu: VT, ĐL, HHCHQ.                                                                                   Trần Văn Vinh